[STORY] Những vụ cháy bí ẩn trên thế giới P1

Đăng bởi: Admin - Thứ 6, 19/03/2021, 05:05

Những vụ cháy xung quanh bức tranh “Cậu bé khóc”

“Cậu bé khóc” (The Crying Boy) là một bức chân dung được vẽ bởi họa sĩ Bruno Amadio. Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, bức tranh này đã được sao chép và bày bán tràn ngập khắp nơi trên thế giới, riêng tại Vương quốc Anh đã có thể bán được 50.000 bức. Lúc bấy giờ, đây là một trong những bức tranh được nhiều người Anh mua nhất.

Câu chuyện bí ẩn về lời nguyền của bức tranh “Cậu bé khóc” bắt đầu xuất hiện từ tháng 9/1985, khi tờ The Sun – trang tin tức nổi tiếng ở Anh đưa tin về hàng loạt các vụ cháy bí ẩn lan rộng tại Anh. Điều đặc biệt là những nơi xảy ra hỏa hoạn đều có treo bức “Cậu bé khóc” ở trong nhà.

Theo lời kể của các lính chữa cháy cùng các nạn nhân, trong tất cả các vụ cháy, mọi vật dụng trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có các bản sao bức tranh “Cậu bé khóc” vẫn còn nguyên vẹn. Cô Dora Mann (Surrey, Anh) – một nhân chứng nổi tiếng, cho biết cô đã mua bức chân dung “Cậu bé khóc” về treo trong phòng tranh của mình. Tuy nhiên, 6 tháng sau, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra. Thậm chí, cô và chị dâu cũng suýt thiệt mạng trong một vụ cháy đó. Tất cả mọi thứ đều chỉ còn là một đống đổ nát, thứ duy nhất còn sót lại nguyên vẹn là bức tranh “cậu bé khóc”. Sau khi hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra, những người sở hữu bức tranh đều hoang mang, lo sợ. Trước tình hình đó, hàng nghìn bản sao “Cậu bé khóc” bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục Chữa cháy. Mặc dù vậy, nhiều bản sao khác của bức tranh vẫn còn tồn tại và tin tức về các vụ cháy vẫn tiếp tục xuất hiện. Những câu chuyện liên quan đến “Cậu bé khóc” càng được lan truyền rộng rãi và nhiều người cho rằng có một lời nguyền luôn đeo bám bức tranh đó.

Tuy nhiên, Steve Punt, một nhà văn và diễn viên hài người Anh đã đứng ra điều tra các lời nguyền của “Cậu bé khóc” trong một chương trình của đài phát thanh BBC. Trong chương trình, Punt nghiên cứu lịch sử của bức tranh, đồng thời cũng công bố các thí nghiệm được tiến hành lên các bản sao. Trong thí nghiệm, nhiều bản sao cũ của bức tranh đã được đem đốt và các nhà khoa học phát hiện phần lớn các bản in chỉ có viền khung tranh bị bắt lửa và cháy sém một góc còn bức tranh vẫn nguyên vẹn. Kết quả kiểm tra cho thấy nguyên nhân giúp “Cậu bé khóc” luôn “sống” trong mỗi vụ hỏa hoạn là nó được vẽ bằng chất liệu khó bắt lửa, không bị phá hủy bởi nhiệt và khói. Nhân viên chữa cháy Mick Riley cũng khẳng định nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn thời gian đó phần lớn là do chập điện hoặc do vật dễ bắt lửa vô tình bị cháy. Không có bất kì lời nguyền bí ẩn hay câu chuyện ma quỷ nào ở đây.


Vụ cháy Meireki và lời nguyền Kimono

Vụ cháy lớn Meireki còn nổi tiếng với tên vụ cháy Furisode (tên của một bộ Kimono dành cho các cô gái độc thân trong các ngày lễ). Một câu chuyện kỳ lạ và nổi tiếng vì vụ cháy thiêu rụi tới 3/4 kinh thành Edo (tên cũ của thủ đô Tokyo của Nhật ngày nay) mà nguyên nhân của nó bắt nguồn từ một bộ Kimono bí ẩn.

Minh họa: Thiết kế của một bộ Kimono Furisode

Đám cháy kéo dài trong 3 ngày, ước tính có tới 100 ngàn người đã bỏ mạng vì nó, 60 – 70% kinh thành bị thiêu rụi, san bằng 300 đền đài, 500 cung điện, 9.000 cửa hàng, 61 cây cầu. Trận cháy này thiệt hại lớn tới mức có thể so sánh với Đại thảm họa động đất Kantô 1923 và vụ ném bom nguyên tử của Mỹ năm 1945 lên 2 thành phố lớn của Nhật trong thế chiến thứ 2.

Đám cháy thế kỷ này gắn liền với bộ Kimono được cho là bị nguyền, trước đó đã khiến cho 3 thiếu nữ qua đời. Chủ nhân đầu tiên và cũng chính là người may nó là Okiku sống ở Ueno, cô mặc nó lần đầu trong lễ thưởng hoa ở một ngôi chùa, không may cô lại đem lòng yêu một tiểu tăng ở đó. Mối tình không nên bắt đầu này khiến cô nhớ nhung mà sinh tâm bệnh, rồi qua đời vào ngày 16 tháng 1 năm Minh Lịch đầu tiên. Mẹ cô sau đó bán nó lại cho một cửa hiệu Kimono ở Hongo. Chủ nhân tiếp theo của nó là Ohana, điều kỳ lạ đến rùng mình chính là cô cũng bị bệnh và qua đời một năm sau đó đúng cái ngày mà chủ nhân cũ đã mất, tức cũng vào ngày 16 tháng 1, là năm Minh Lịch thứ 2. Sự việc trùng hợp này không ai để ý thấy cho đến khi chủ nhân thứ 3 của nó là Otatsu, con gái chủ tiệm cầm đồ ở Azabu cũng qua đời vì đổ bệnh và cũng trùng ngày chết của 2 cố chủ trước (ngày 16 tháng 1 năm Minh Lịch thứ 3). Người ta xem nó như là điềm xấu cho chủ nhân mặc nó và sau đó một thầy tu quyết định đem tiêu huỷ bộ Kimono bị nguyền rủa này. Vị thầy tu vì muốn cứu những chủ nhân sẽ mặc nó sau này đã quyết định đốt cháy bộ Kimono, nhưng không ngờ rằng đó lại là hành động sai lầm khiến cho hàng trăm ngàn người mất mạng sau đó. Khi bộ Kimono đang bốc cháy dữ dội thì một  cơn gió lớn bất ngờ xuất hiện và cuốn chiếc áo lên cao, do ngôi chùa làm bằng gỗ nên đã nhanh chóng bắt lửa và đám cháy vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngọn lửa bùng lên dữ dội như gào thét và nuốt trọn tất cả trong cơn giận dữ. Kinh thành Edo bị nhấn chìm trong biển lửa trong phút chốc.

Tranh tái hiện lại vụ cháy Furisode

Nguyên nhân khiến cho những vụ cháy tại đây thường rất mãnh liệt và sức tàn phá nhanh khủng khiếp là do thói quen sinh hoạt và lối sống của người dân. Nhà cửa ở đây được xây bằng gỗ, với mật độ dân số cao khiến cho tốc độ cháy lan rất nhanh. Mặt khác, khí hậu lạnh giá vào mùa đông khiến cho thói quen sử dụng than và củi để sưởi ấm khiến nguy cơ cháy luôn rình rập. Và vụ cháy Meireki vẫn được người dân Tokyo nhắc lại cho tới tận ngày nay vì mức độ tàn phá của đám cháy quá lớn.


mailLIÊN HỆ: ĐIỆN THÔNG MINH VIỆT NAM - Cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ PCCC uy tín, chất lượng

Hotline: 0368888659- 0904 058787

Mail: pccc24h.vn@gmail.com

Website: pccc24h.vn

Facebook: Bán Bình Chữa Cháy 24/7

Tin tức khác