[STORY] Big Wind – cỗ xe “người hùng” trong lịch sử cứu hỏa thế giới

Đăng bởi: Admin - Thứ 6, 12/03/2021, 04:46

NGUỒN GỐC RA ĐỜI CỦA CỖ XE CỨU HỎA BIG WIND

Từ cuối thập niên 1980, người Nga đã nghiên cứu và phát triển những chiếc xe có khả năng phun nước với tốc độ và lưu lượng lớn. Bằng cách lắp động cơ của máy bay MiG-15 lên thùng xe tải, họ tạo ra một loại phương tiện chuyên dùng để dọn tuyết và dập các đám cháy lớn.

Tuy vậy, những người Hungary – đồng minh của Nga lúc bấy giờ – mới là tác giả của cỗ xe cứu hỏa Big Wind. Big Wind được tạo ra từ khung gầm xe tăng T-34 và động cơ của máy bay tiêm kích MiG-21.

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về xe tăng T-34 và máy bay tiêm kích MiG-21 là những vũ khí quân sự như thế nào?

Xe tăng T-34 được thiết kế và chế tạo bởi Liên bang Xô Viết vào cuối thập niên 1930, có số lượng lớn và được sử dụng rộng rãi trong Thế Chiến II. Dù dần bị loại bỏ khi bước sang thập niên 1950, T-34 vẫn được nhiều nước Đông Âu sử dụng cho tới tận những năm 1980. Do vậy, trong giai đoạn này, vẫn còn hàng nghìn chiếc T-34.

So với xe tăng T-34, máy bay tiêm kích MiG-21 ra đời muộn hơn, vào cuối thập niên 1950. Nhờ chi phí sản xuất thấp và hỏa lực mạnh, MiG-21 trở thành một trong những chiến đấu cơ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Giống T-34, MiG-21 cũng có quãng thời gian phục vụ quân đội kéo dài nhiều thập niên, được sản xuất với số lượng lớn và cung cấp cho nhiều quốc gia.

Thiết kế cỗ xe lịch sử Big Wind

 

CỖ XE BIG WIND

Khi các kỹ sư Hungary tại công ty khoan dầu MB Drilling Company lắp ráp những bộ phận tạo thành Big Wind, họ không dùng động cơ máy bay để giúp chiếc xe tăng di chuyển tốt hơn. Thay vào đó, cặp động cơ Tumansky R-25 được gắn lên trên khung gầm của T-34 như 2 họng súng, đi kèm hệ thống đường ống dẫn nước.

Khi cặp động cơ được bật, kết quả thu về rất ấn tượng. Big Wind phun 832 lít nước mỗi giây, tốc độ phun lên đến 1.239 km/h – xấp xỉ vận tốc âm thanh.

Với thân hình đồ sộ, cứng cáp vốn có của xe tăng, cùng 2 họng súng khổng lồ làm từ động cơ máy bay quân sự, Big Wind được ví von như Frankenstein của ngành cứu hỏa – một con quái vật được ráp lại từ bộ phận của những cỗ máy đã chết.

Tổ điều khiển Big Wind có 3 thành viên, gồm người lái, người điều khiển động cơ máy bay và chỉ huy cứu hỏa. Cùng Big Wind, những tổ đội này đã chiến thắng nhiều đám cháy lớn trên thế giới.

CHIẾN TÍCH CỦA BIG WIND Ở KUWAIT

Những tháng đầu năm 1991, Kuwait chìm trong địa ngục lửa. Khoảng 605-732 giếng dầu tại quốc gia này bị đốt bởi quân Iraq, có thời điểm lượng khói thoát ra hấp thụ tới 75-80% bức xạ mặt trời. Người dân và nông dân địa phương phải đối đầu với thảm họa ô nhiễm môi trường.

Giữa tình thế ngặt nghèo ấy, một cỗ xe tăng đồ sộ mang tên gọi Big Wind (Gió Lớn) xuất hiện, chậm rãi di chuyển tới từng giếng dầu, phóng nước lấy từ các vũng chứa được đào gần đám cháy với tốc độ kinh hoàng và dập lửa.

Tháng 2/1991, chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc khi liên quân do Mỹ dẫn đầu đẩy lùi quân Iraq ra khỏi Kuwait.

Trên đường rút lui, lực lượng của cựu tổng thống Saddam Hussein đã trả đũa bằng cách đốt cháy hơn 700 giếng dầu, đổ hơn 115 triệu lít dầu xuống biển, mở van và phá vỡ các đường ống dẫn dầu.

Hậu quả, vụ cháy tạo ra một địa ngục lửa. Ngọn lửa có thời điểm cao đến hơn 90 m, tạo ra gần 5.000 tấn khói đen mỗi ngày trong gần 30 tuần. Có lúc, nhiệt độ đo được ở ngọn lửa lên tới hơn 1.000 độ C, không khí xung quanh nóng hơn 340 độ C và ở khu vực chân đám cháy, nhiệt độ chạm mức 700 độ C.

Với lượng dầu dự trữ tại thời điểm ấy, các chuyên gia ước tích cơn bão lửa ở Kuwait có thể kéo dài suốt 2-5 năm, liên tục thải ra dioxide, carbon monoxide, dioxin, benzopyrene và nhiều chất độc hại khác. Các đám cháy dầu khiến đất trồng trọt của Kuwait bị ô nhiễm, không sử dụng được, cùng với đó là hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm chết. Cả ngành nông nghiệp và dầu khí của quốc gia này gần như bị phá hoại hoàn toàn.

Không dừng ở đó, giếng dầu cháy tại Kuwait còn khiến nhiều quốc gia lân cận như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Nga chịu ảnh hưởng, với những hiện tượng thiên nhiên bất thường. Một thảm họa ô nhiễm môi trường thực sự đã xảy ra.

Giữa tình thế nghìn cân treo sợi tóc ấy, một cỗ xe nặng hơn 45 tấn xuất hiện, di chuyển với vận tốc 5 km/h, dừng lại cách các giếng dầu khoảng 8 m, phun ra luồng nước biển với tốc độ hơn 300 m/s, lưu lượng hơn 800 lít mỗi giây, lần lượt dập tắt những đám cháy. Nước biển được lấy từ hệ thống đường ống chạy dài từ vịnh Ba Tư, trữ sẵn trong các vũng chứa nhân tạo gần những đám cháy, với sức chứa hơn 15.000 m2, sau đó đưa lên 2 nòng phun khổng lồ của Big Wind.

Tháng 11/1991, ngọn lửa cuối cùng phát ra từ giếng dầu cháy ở Kuwait bị dập tắt. Các chuyên gia ước tính 90% đám cháy được dập chỉ bằng nước biển. Về phần mình, Big Wind đi vào lịch sử.

Sau chiến tích ấy, Big Wind không dừng lại mà vẫn tiếp tục dập tắt những vụ cháy dầu và dọn sạch nhiều đường băng trên khắp thế giới. Cỗ xe phun nước khổng lồ trở thành một minh chứng cho những gì công nghệ quân sự có thể làm được.

NGUỒN BÀI VIẾT: Trang thông tin điện tử ĐẠI HỌC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Tin tức khác