Giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà, chung cư cao tầng

Đăng bởi: Admin - Thứ 4, 07/04/2021, 04:50

1. Giải pháp về quy hoạch, thiết kế
a. Giải pháp về quy hoạch

Giao thông phục vụ chữa cháy: Đối với các dự án nhà, chung cư cao tầng xây dựng mới cần quy hoạch bảo đảm về đường giao thông, bãi đỗ xe phục vụ chữa cháy, chiều rộng của mặt đường xung quanh công trình phải từ 3,5 m cho mỗi làn xe. Chiều cao thông thuỷ từ 4,25 m.

Với các khu vực phố cổ, phố cũ trong nội đô các thành phố lớn Việt Nam, do điều kiện đặc thù, không thể áp dụng hoàn toàn các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định do: Hạ tầng giao thông cũ, mật độ dân cư đông đúc, việc triển khai các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ rất khó khăn. Do đó, cần chủ động đầu tư cho công tác phòng cháy với phương trâm “bốn tại chỗ”.

Bảo đảm các yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC của công trình với các hạng mục, công trình xung quanh, trong đó khoảng cách từ 2 công trình có bậc chịu lửa I, II phải lớn hơn hoặc bằng 6 m. Trong trường hợp khoảng cách không đảm bảo, phải xem xét đến khoảng cách từ mép tường công trình đến đường ranh giới khu đất để nội suy ra phần trăm diện tích được mở tại các lỗ mở trên tường đầu hồi tiếp giáp với công trình bên cạnh.

Nhà cao tầng phải nghiêm túc thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, đây là yếu tố quyết định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC sau này của công trình. Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Công an quy định về thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC đối với các công trình xây dựng.

Trong quá trình thực hiện thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC (QCVN 06:2020/BXD, QCVN 04:2019/BXD, QCVN 13:2018/BXD, QCVN 03:2012/BXD, TCVN 3890:2009….). Bên cạnh đó để phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, công tác thiết kế phải lưu ý thực hiện các giải pháp sau:

b. Giải pháp về thiết kế

Về kiến trúc công trình: Đa số các công trình cao tầng đều thiết kế theo dạng khối kín. Vì thế, khi xảy ra sự cố cháy nổ, thì hành lang căn hộ và hệ thống cầu thang bộ là lối thoát nạn duy nhất giúp người dân thoát nạn. Khi thiết kế kiến trúc, lối hành lang phải thông thoáng gió và tận dụng ánh sáng tự nhiên, hệ thống cầu bang bộ thoát nạn phải bảo đảm theo quy định.

Đề xuất giải pháp cần phân cách khoảng không thoát khí, thoát nạn, hạn chế cháy nổ theo cả chiều ngang và chiều cao của công trình cao tầng. Khuyến cáo tổ hợp công trình cao tầng nên chia thành nhiều hơn 02 khối, tạo khoảng hở trên cả phân vị đứng lẫn phân vị ngang, nhưng hạn chế không làm giếng trời trong lõi các tòa nhà.

Áp dụng quy định đối với các công trình cao trên 100 m phải bố trí tầng lánh nạn, trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn bảo đảm các yêu cầu theo tiêu chuẩn. Khuyến khích việc bố trí giữa các sàn có công năng khác nhau như: Căn hộ ở - dịch vụ thương mại - ga ra ô tô thì có 01 tầng trống làm tầng lánh nạn. Nếu từ 02 khối nhà trở lên thì các khoảng trống, hở có kết nối với nhau bằng hành lang ngang, nhà cầu trên cao để di chuyển con người, hàng hóa khi có cháy nổ tại 01 công trình trên 01 vị trí.

Bố trí giếng trời bên trong công trình cao tầng tạo thành những ống khói khổng lồ làm tăng tốc độ cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ

Cần có giải pháp ngăn cháy khi bố trí giếng trời trong thiết kế nhà, chung cư cao tầng, bởi vì giếng trời được quây xung quanh bởi các gian phòng dễ trở thành họng xả phân phối khói, khí độc cho các tầng. Ngoài ra, giếng trời này còn là những ống khói khổng lồ đủ để cung cấp không khí cho sự cháy. Theo nghiên cứu, tốc độ đám cháy có dạng ống khói cao gấp 30 lần so với một đám cháy lộ thiên trên mặt đất.

Bố trí không gian đa chức năng: Trong các công trình cao tầng thường bố trí với nhiều công năng khác nhau, do vậy phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn khi thiết kế, bố trí các không gian hợp lý như: Nơi tập trung đông người (khối thương mại, hội trường, nhà trẻ mẫu giáo…) phải được bố trí ở tầng thấp để đảm bảo thoát nạn thuận lợi và nhanh chóng trong công tác cứu nạn.

Khu vực gara để xe ô tô, xe máy… thường có nguy cơ cháy, nổ cao, do đó giải pháp tối ưu nhất là cần tách khu vực gara thành khối nhà riêng với khối nhà làm chung cư, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, khuyến khích xây dựng theo kiến trúc bãi nổi với không gian mở hoàn toàn để đảm bảo thoáng gió và không tồn khói, khí độc.

Đối với trường hợp phải bố trí trong cùng khối nhà, các gara để xe không được bố trí quá 05 tầng hầm đối với nhà có bậc chịu lửa bậc I và không quá 03 tầng hầm với nhà có bậc chịu lửa bậc II, và khuyến cáo việc bố trí dưới nhà có công năng làm nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện…

Không bố trí các phòng ở, phòng tập trung đông người dưới tầng hầm. Đối với các căn hộ, nên thiết kế bếp phía trong, hạn chế đặt bếp nằm liền kề cửa ra vào căn hộ và hướng ra hành lang, sảnh chung tạo nên một “lõi năng lượng” của tòa nhà. Khi có sự cố cháy, “lõi năng lượng” này dễ lây lan thông qua hệ thống gas trung tâm dùng trong sinh hoạt. Và trong trường hợp này, hệ thống thang thoát bộ thoát nạn là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Đây là việc tối kỵ khi cầu thang thoát hiểm theo phương đứng không sử dụng được.

Không bố trí ở tầng hầm các phòng máy biến áp, bồn dầu; nếu bố trí máy biến áp ở tầng hầm phải là máy biến áp khô và không quá tầng hầm thứ nhất… Phải bố trí phòng trực điều khiển chống cháy cho tòa nhà, phòng trực phải đảm bảo ngăn cháy với các khu vực khác, có lối ra ngoài trực tiếp. Lối ra mái bố trí trực tiếp từ các buồng thang bộ hoặc đi qua tầng áp mái hoặc đi theo cầu thang bộ loại 3, hoặc đi theo thang chữa cháy ngoài nhà.

Thiết kế bậc chịu lửa và giải pháp ngăn cháy lan: Công trình cao tầng phải được thiết kế với bậc chịu lửa I và được xác định bằng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện chính cũng như vật liệu để làm các cấu kiện đó. Cần có quy định bậc chịu lửa khác nhau giữa các tầng, không nên đánh đồng tầng dưới chịu nhiệt như tầng trên cao.

Chia khoang ngăn cháy bằng tường ngăn, màn ngăn, cửa sập chống cháy (quy định diện tích 01 khoang cháy tại tầng hầm không quá 3000 m2, tầng nổi không quá 2200 m2 và được tăng lên không quá 4400 m2 khi lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động).

Việc sử dụng tường gạch có tính chất truyền nhiệt cao không phải là biện pháp tối ưu để chống cháy, vì yêu cầu của hệ thống tường chống cháy phải bao gồm cả hai yếu tố: Tính toàn vẹn hệ thống và tính cách nhiệt. Tường ngăn bằng thạch cao với cấu tạo rỗng và sử dụng vật liệu tấm thạch cao không cháy đem lại khả năng chống cháy tốt cho hệ thống, thỏa mãn cả hai yêu cầu toàn vẹn hệ thống và cách nhiệt.

2. Một số giải pháp về trong vận hành, sử dụng công trình cao tầng

Trong quá trình sử dụng tại các gian phòng, căn hộ trong các toà nhà cao tầng, người sử dụng cần nắm và thực hiện các biện pháp cơ bản sau nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nhà cao tầng, cụ thể:

- Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất (Lưu ý: chỉ được tồn chứa dưới 70 kg gas trong nhà có người ở, không vận chuyển bình gas trong thang máy khi có người).

- Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong khu vực tầng 1 hoặc tầng hầm các nhà ở nhiều tầng phải cách xa nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín, phải sắp xếp gọn gàng không gây cản trở lối thoát nạn. Không đưa xe đạp điện lên các tầng để sạc điện. Không bố trí nơi sạc xe đạp điện cùng với khu vực xe máy tại khu vực gara xe và phải quy hoạch khu để sạc xe đạp điện ra khu vực riêng và có biện pháp bảo đảm an toàn PCCC phù hợp.

- Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp ... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn.

- Phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat, cầu chì) cho hệ thống điện và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, không để hàng hoá dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn. Phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các aptomat để luôn trong tình trạng hoạt động tốt.

- Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện hoặc sử dụng lửa trên các tầng nhà. Tuyệt đối không sử dụng bếp củi, bếp than có sinh ngọn lửa trần trên các tầng nhà. Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng gas để đun nấu trong các nhà chung cư cao tầng.

- Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa việc thắp nến, để vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải xuống khu vực riêng an toàn bên ngoài nhà ở khu vực tầng 1 của nhà, phải có người trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Tuyệt đối không đốt vàng trên các tầng nhà, hành lang dễ gây hiện tượng báo cháy giả, cháy lan. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

- Không lắp lồng sắt, rào sắt ở lan can, lối ra thoát nạn của nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải thiết kế, bố trí cửa có chốt trong và không được khoá. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và phương án để chữa cháy và thoát nạn như: tự trang bị các dụng cụ để phá dỡ tạo lối thoát nạn, mặt nạ lọc độc, khăn ướt v.v...). Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên.

- Không để các vật dụng như chậu hoa, cây cảnh, đồ chơi trẻ em, các vật dụng cũ hỏng cản trở hoặc chiếm dụng hành lang, cầu thang thoát nạn. Tuyệt đối không chèn chắn các cửa ngăn cháy, chống tụ khói của cầu thang bộ đặc biệt là các cửa ra vào cầu thang bộ khu vực tầng hầm, tầng có gara xe nhằm ngăn chặn khả năng nhiễm khói vào buồng thang bộ tại các nhà cao tầng.

- Cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy đảm bảo thoát nạn nhanh chóng.

- Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

- Khi nghe, thấy các tín hiệu báo cháy, không nên chủ quan với các tình huống báo cháy giả (nếu có) của hệ thống báo cháy . Hãy chú ý quan sát, liên lạc với Ban bảo vệ, người có nhiệm vụ để biết tin chính xác về các sự cố báo cháy để có phương án chữa cháy và thoát nạn phù hợp.

- Khi xảy ra cháy tìm mọi cách di chuyển thoát nạn qua các hành lang vào các buồng thang bộ để xuống nơi an toàn. Tuyệt đối giữ bình tĩnh, không leo trèo ra các ban công, đường ống kỹ thuật để thoát nạn. Không nên ở lại tìm chỗ trú ẩn trong các buồng, phòng vệ sinh, trốn trong các góc khuất dễ gây ngạt khói dẫn đến tử vong do cháy lớn. Không đi thang máy khi có cháy, do thang bị bị ngắt điện và dừng hoạt động khi hệ thống báo cháy tự động hoạt động dễ dẫn đến ngạt khói trong thang máy. Tham gia chữa cháy nhanh chóng khi có thể hoặc phải di chuyển thoát nạn ngay từ các tầng cao xuống bên dưới đảm bảo an toàn. Báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết bằng cách hô hoán, nhấn nút ấn báo cháy, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114, đội bảo vệ, dân phòng, chính quyền sở tại hoặc Công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

- Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, thực tập phương án chữa cháy do cơ quan chức năng hoặc Ban quản lý tòa nhà tổ chức. Thường xuyên trao đổi thông tin cho mọi người trong gia đình, tuyên truyền để mọi người trong cùng tòa nhà đều biết các biện pháp PCCC nêu trên để nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn hiệu quả.

Kiến trúc công trình cao tầng hiện đang phát triển ồ ạt ở các đô thị lớn của Việt Nam. Chủ đầu tư và các nhà quản lý rất chú trọng tới chất lượng thẩm mỹ, hình thức kiến trúc của các tòa nhà, công trình cao tầng, bởi khi chúng được xây dựng và hoàn thiện xong thực sự là biểu tượng và thương hiệu của chủ đầu tư và là vẻ đẹp của đô thị. Tuy nhiên, đằng sau cái vẻ đẹp đó là một loạt những đòi hỏi gắt gao về các yêu cầu kỹ thuật, trong đó yêu cầu về công tác bảo đảm an toàn PCCC là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị tốt công tác PCCC còn đem lại hiệu quả, uy tín cho các chủ đầu tư, khách hàng sẽ đặt niềm tin vào các công trình đảm bảo an toàn về PCCC.

Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình chung cư là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn. Bên cạnh những giải pháp đã trình bày ở trên, trách nhiệm của chủ đầu tư và ý thức của người dân trong công tác PCCC phải luôn đặt lên hàng đầu, quan trọng là chúng ta phải hạn chế nguy cơ và khi xảy ra cháy nổ, phải thật bình tĩnh để có thể đảm bảo an toàn cho gia đình và người thân.


mailLIÊN HỆ: CÔNG TY CP ĐIỆN THÔNG MINH VIỆT NAM - Cung cấp dịch vụ thiết kế, thi công lắp đặt thiết bị PCCC, các hệ thống chữa cháy và báo cháy. Gọi ngay hotline để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất

Hotline: 0708888114 hoặc 0368888659

Mail: work@pccc24h.vn

Website: pccc24h.vn

Facebook: Bán Bình Chữa Cháy 24/7 

Tin tức khác