Cơ sở hóa chất nên thực hiện PCCC như thế nào?

Đăng bởi: Admin - Thứ 6, 19/03/2021, 10:03

Hóa chất có tính chất nguy hiểm cháy nổ rất cao. Trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng hóa chất nếu không thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sẽ dễ xảy ra các sự cố cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường, môi sinh.

Nguyên nhân xảy ra sự cố có thể do: Sử dụng thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện tại nơi bảo quản, sử dụng hóa chất không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, lỗi trên đường dây điện làm phát tia lửa điện, lỗi của thiết bị điện tử làm chập cháy mạch điện, lỗi của thiết bị máy móc làm tăng ma sát và phát sinh tia lửa, sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần không đảm bảo an toàn tại khu vực bảo quản, sử dụng hóa chất. Dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của người, tài sản, động thực vật, môi trường và có thể gây ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội.

Điển hình: Vào hồi 7 giờ 44 phút, ngày 30-6-2020, xảy ra cháy tại kho chứa hóa chất (chủ yếu là hóa chất Toluen dung môi phục vụ ngành in) của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã thiêu rụi hơn 500 m2 nhà kho cùng nhiều phi chứa dung môi; Trước đó ngày 28/8/2019 vụ cháy 6.000 m2 khu xưởng Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội gây thiệt hại ước tính 150 tỉ đồng, không những vậy còn ảnh hưởng môi trường đối với khu vực dân cư trong vòng bán kính 1,5km.

Hình ảnh đám cháy dữ dội tại kho Cảng Đức Giang

Để đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, bảo quản, sử dụng hóa chất Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo một số biện pháp PCCC sau:

1. Yêu cầu sắp xếp hóa chất trong kho:

- Thiết bị chứa hóa chất: Chứa đúng mức quy định, bảo đảm duy trì đóng kín, chắc chắn. Có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của Quy chế ghi nhãn hàng hóa.

- Sắp xếp thiết bị, chai chứa: Để thẳng đứng, có nắp bảo vệ van. Bảo đảm chắc chắn không để đổ, va chạm với nhau. Các chai phải có mũ kín. Trong phạm vi 10 m xung quanh kho chứa chai đã nạp không để các vật liệu dễ cháy.

- Sắp xếp thùng chứa hóa chất: Không nên xếp chồng lên nhau cao hơn 3 m. Phuy đựng hóa chất chỉ nên được xếp chồng lên nhau ít hơn 4 lớp theo chiều đứng của thùng, có tấm đỡ hàng (pa-lét) phân cách giữa các lớp. Phuy hóa chất đặt ngang có giá đỡ cố định bên hông hoặc được chèn để tránh chúng bị lăn. Thùng đựng dạng trống có giá đỡ cố định hoặc chèn để tránh bị lăn.

- Sắp xếp lô hàng chứa hóa chất (bao bì, kiện hàng): Không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m. Không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho. Để cách xa với nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m hoặc phải được cách ly bằng vật liệu không cháy.

- Không được xếp các lô hàng nặng quá tải trọng của nền kho.

- Lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5 m.

- Lưu ý: Thường xuyên kiểm tra các lô hàng, thông gió, thoát ẩm, lớp hóa chất cuối cùng không bị đè hỏng.

- Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín và chắc chắn. Bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng. Trường hợp sử dụng lại bao bì phải làm sạch, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hóa chất mới hoặc gây nguy hiểm.

2. Yêu cầu bảo quản hóa chất:

- Tồn chứa lượng thấp nhất vừa đủ cho hoạt động của cơ sở.

- Không được bảo quản chung đối với các hóa chất:

+ Các chất có khả năng tạo thành các hỗn hợp nổ. Các loại khí duy trì sự cháy: Oxy, không khí hoá lỏng và nén. Các chất có khả năng tự đốt cháy và tự bắt cháy khi tác dụng với nước và không khí. Các chất cháy và dễ bắt cháy (lỏng, rắn).

+ Các chất có khả năng gây ra cháy: Các chất dễ cháy (Bông, rơm, sợi gai, than bùn, gỗ, dầu mỡ thực vật…). Hóa chất kỵ nước với hóa chất không kỵ nước. Hóa chất hòa tan trong nước với hóa chất không hòa tan trong nước. Hóa chất có thể phản ứng với nhau.

- Hóa chất kỵ nước nên được xếp ở gian kho riêng biệt, đảm bảo kín và cách ly với khu vực xung quanh

- Trữ lượng bảo quản hóa chất không vượt quá ngưỡng khối lượng tồn chứa tại một thời điểm.

3. Đối với các hệ thống công nghệ, hệ thống điện:

- Dụng cụ điện, thiết bị điện là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy nổ.

- Không được đặt dây cáp điện trong cùng một đường rãnh ngầm hoặc nổi có ống dẫn hơi khí, chất lỏng dễ cháy, nổ.

- Cầu dao, cầu chì, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa các hóa chất dễ cháy, nổ. Bất kỳ nhánh dây điện nào cũng đều phải có cầu chì hay thiết bị bảo vệ tương đương.

- Hệ thống điện chiếu sáng phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy, nổ vào thiết bị chiếu sáng.

4. Đối với công tác quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt:

- Không sử dụng các thiết bị điện, thiết bị viễn thông, thiết bị đo nồng độ hơi, khí xách tay không phải loại phòng nổ trong khu vực sản xuất, tồn chứa.

- Thiết bị dụng cụ làm việc đều phải làm bằng vật liệu không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập.

- Không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt không an toàn trong khu vực sản xuất, tồn chứa. Trường hợp sử dụng ngọn lửa trần trong dây chuyền công nghệ phải thường xuyên kiểm tra độ kín của ống dẫn xem có rò rỉ ra ngoài không.

- Không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa các hóa chất dễ cháy, nổ mà phải dùng nước xà phòng hay các chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hóa chất trong ống dẫn thiết bị.

5. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các lô hàng, hệ thống thông gió, độ ẩm, nhiệt độ của kho hóa chất.

6. Cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ sở hóa chất phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ thuật an toàn về hàng nguy hiểm. Biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.

7. Trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp về chủng loại, số lượng các cơ sở hóa chất, ngoài ra cần phải trang bị phương tiện phòng chống độc phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng lại các trang bị thiết phương tiện PCCC và có kế hoạch cụ thể phân công đủ lực lượng thường trực bảo vệ 24/24.

8. Biện pháp chữa cháy:

- Chất chữa cháy: Sử dụng các bình và thiết bị chữa cháy chuyên dụng, CO2, cát, chăn thấm nước, phun nước làm mát thiết bị chứa đựng và các thiết bị liền kề.

- Biện pháp chữa cháy: Thực hiện khẩn cấp các biện pháp ban đầu để dập tắt đám cháy.

- Cắt nguồn điện liên quan tới đám cháy.

+ Ưu tiên cứu người bị nạn, tìm cách ngăn chặn, cách ly nguồn rò rỉ, di chuyển các thùng chứa hoặc các trang thiết bị khác liền kề nếu có thể.

+ Sử dụng bình chữa cháy, cát, chăn thấm nước để chữa cháy đối với đám cháy nhỏ.

+ Không sử dụng nước để chữa cháy, chỉ sử dụng nước để làm mát thiết bị chứa và các thiết bị liền kề.

- Trước khi đưa ra biện pháp chữa cháy phải xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng, khối lượng hóa chất có tại cơ sở. Tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hóa chất trong cơ sở hoặc đối với các loại hóa chất kỵ nước.

Khi xảy ra cháy, nổ hoặc cần cứu nạn, cứu hộ gọi điện theo số máy 114

Theo: Nguyễn Hồng và Đỗ Quyên (Trang Thông tin điện tử Cục Cảnh sát PCCC và CNCH)                      


mailLIÊN HỆ: ĐIỆN THÔNG MINH VIỆT NAM - Cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ PCCC uy tín, chất lượng

Hotline: 0368888659- 0904 058787

Mail: pccc24h.vn@gmail.com

Website: pccc24h.vn

Facebook: Bán Bình Chữa Cháy 24/7

Tin tức khác